Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

Xây dựng phân hiệu trường đại học Huế thành đại học kỹ thuật

Trường đại học Huế tại Quảng Trị đang được xét duyệt để chuyển thành đại học kỹ thuật, góp phần cho sự phát triển của tỉnh Quảng Trị.


Nhân dịp Đại học Huế bổ nhiệm TS. Trương Chí Hiếu giữ chức Giám đốc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, nhiệm kỳ 2016- 2021, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trao đổi với đồng chí tân Giám đốc về nhiệm vụ, giải pháp của Phân hiệu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần đồng hành với Quảng Trị trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Thưa đồng chí! Đề nghị đồng chí cho biết những kết quả đạt được trong công tác đào tạo của Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị thời gian qua?

- Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị được thành lập năm 2006. Đến nay, Phân hiệu đã đào tạo và hợp tác đào tạo 3.176 sinh viên ở cả bậc đại học và cao học với nhiều chuyên ngành đào tạo. Số lượng sinh viên đại học và cao học đang học tại Phân hiệu là 1.375 sinh viên, trong đó có một tỷ lệ lớn là sinh viên đến từ tỉnh Quảng Trị. Tỷ lệ sinh viên các ngành kỹ thuật của Phân hiệu có việc làm đúng chuyên ngành sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ cao (hơn 80% theo khảo sát của Phòng Đào tạo).

Về công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), Phân hiệu hiện đã triển khai thực hiện 1 đề tài cấp bộ, 2 cấp tỉnh, 6 cấp Đại học Huế, 20 cấp cơ sở và 3 đề tài liên kết với các tổ chức quốc tế, 3 dự án chuyển giao công nghệ; có 26 bài báo đã đăng trên các tạp chí khoa học nước ngoài, 15 bài báo đăng các tạp chí khoa học trong nước. Đây tuy chưa phải là những thành tựu lớn nhưng là những kết quả đáng khích lệ đối với một đơn vị đào tạo trẻ. Đến nay, đơn vị có 33 cán bộ có trình độ sau đại học, trong đó có nhiều người tốt nghiệp từ Nga, New Zealand, Đan Mạch.



Đội ngũ giảng viên kiêm nhiệm của Phân hiệu gồm nhiều nhà giáo có kinh nghiệm, có trình độ, chức danh cao của các trường đại học thành viên Đại học Huế và các trường đại học kỹ thuật trong nước. Về cơ sở vật chất, Phân hiệu có các phòng học hiện đại, 3 phòng thí nghiệm chuyên ngành với các trang thiết bị hiện đại vào loại hàng đầu của miền Trung, phòng máy tính, ký túc xá gần 500 chỗ, nhà đa năng, hội trường. Từ lúc thành lập đến nay, trong tất cả các năm học Phân hiệu đều đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

 Đặc biệt, các thành tích nổi bật bao gồm: Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị năm 2012, Cờ đơn vị thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Quảng Trị năm 2013, bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD& ĐT, bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam năm 2014, Cờ đơn vị tiêu biểu xuất sắc năm học 2014 - 2015 của Bộ GD & ĐT.

 - Sắp tới Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị sẽ được xây dựng nâng lên thành Trường Đại học Kỹ thuật. Cụ thể việc xây dựng Đề án này là gì, thưa đồng chí?

- Việc phát triển Phân hiệu Đại học Huế thành Trường Đại học Kỹ thuật là chủ trương xuyên suốt của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Đại học Huế. Bởi vì trong tương lai khi các dự án công nghiệp lớn của tỉnh như Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động thì nhu cầu về nhân lực khối ngành kỹ thuật sẽ rất lớn. Hơn nữa, với tầm nhìn dài hạn, nền kinh tế tri thức đang dần chiếm ưu thế trong khi đó các nguồn lực vật chất (tài nguyên, vốn vật chất…) của tỉnh Quảng Trị không nhiều thì nguồn lực con người là yếu tố quan trọng cho sự phát triển lâu dài của tỉnh, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng khó khăn.

Với tỉnh Quảng Trị, sự có mặt của Trường Đại học Kỹ thuật là một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho số lượng và chất lượng nguồn nhân lực này. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Đại học Huế, tỉnh Quảng Trị; xu thế phát triển mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng CNH, HĐH của tỉnh Quảng Trị nói riêng và cả khu vực bắc miền Trung nói chung kéo theo sự gia tăng về nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt các ngành có tính chất kỹ thuật; vị trí chiến lược của Quảng Trị trên Hành lang kinh tế Đông- Tây tạo điều kiện thuận lợi để thu hút sinh viên từ Lào và Đông bắc Thái Lan; và mong muốn, khát khao phát triển của toàn thể đội ngũ cán bộ giảng viên (CBGV) trong Phân hiệu nên việc thành lập Trường Đại học Kỹ thuật là tất yếu.

Hiện nay, Đề án phát triển Phân hiệu thành Trường Đại học Kỹ thuật đang được tiến hành xây dựng và quá trình này cần có sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đại học Huế, tỉnh Quảng Trị cũng như những ý kiến đóng góp nhiều hơn nữa từ các sở, ban, ngành có liên quan tại Quảng Trị. Chúng tôi hy vọng sẽ hoàn thành nội dung và Đề án được các cấp có thẩm quyền thông qua trong thời gian sớm nhất để đi vào hoạt động, đưa Phân hiệu lên một bước phát triển mới.

- Hiện tỉnh Quảng Trị đang và sẽ phát triển mạnh lĩnh vực CN- TTCN, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, trong đó có Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, do đó rất cần một nguồn nhân lực có chất lượng cao. Hiện Đại học Huế, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị đã có những định hướng và giải pháp gì để làm tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Trị, thưa đồng chí?

 - Trong thời gian tới, Phân hiệu tiếp tục mở rộng hơn nữa quy mô đào tạo, đặc biệt là nhóm ngành kỹ thuật; nâng cao chất lượng đào tạo; phát triển mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Từ định hướng này, chúng tôi đã xác định một hệ thống các biện pháp bao gồm các nội dung về tuyển sinh, đổi mới hoạt động đào tạo, đổi mới hoạt động khoa học công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, tổ chức nhân sự và đầu tư cơ sở vật chất.

Trong tuyển sinh, Phân hiệu chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp để xác định, dự báo nhu cầu nguồn lao động về số lượng cũng như chất lượng để có kế hoạch phát triển thêm đúng ngành đào tạo phục vụ xu thế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực. Tích cực tăng cường, thắt chặt quan hệ với các trường THPT, đồng hành với các em học sinh trong việc lựa chọn ngành, chọn trường.

Về hoạt động đào tạo và quản lý đào tạo, Phân hiệu xây dựng một số ngành đào tạo chất lượng cao, có hợp tác với các trường đại học quốc tế, từ đó xây dựng thương hiệu riêng cho Phân hiệu. Đổi mới công tác đào tạo theo hướng giúp người học có năng lực thực hành tốt, năng lực sáng tạo và khả năng tự học, tự nghiên cứu. Tăng cường thời lượng tiếp xúc thực tế, phát triển môi trường đào tạo E-learning, xây dựng chuẩn tiếng Anh đầu ra bằng các chứng chỉ quốc tế cho sinh viên và đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng trong quá trình dạy và học tại đơn vị.

Về công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, một mặt chúng tôi liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp để nắm rõ nhu cầu về sản phẩm khoa học công nghệ; mặt khác, cung cấp các điều kiện thuận lợi tối đa cho CBGV và sinh viên bằng cách nâng cấp thư viện bằng các cơ sở dữ liệu các bài báo khoa học quốc tế, tăng mức kinh phí hoạt động khoa học công nghệ ngoài mức quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT, tạo điều kiện để CBGV và sinh viên được tiếp xúc với các nhà nghiên cứu lớn, chuyên gia đầu ngành.

Trong công tác quản lý, xây dựng môi trường nghiên cứu, học thuật tại Phân hiệu như “cái nôi” nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo của CBGV và sinh viên. Về hợp tác quốc tế, Phân hiệu tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác về nghiên cứu và đào tạo với các tổ chức nước ngoài thông qua nhiều kênh khác nhau như Đại học Huế, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị, hội đồng hương Quảng Trị ở trong và ngoài nước, các đại sứ quán. Trong đó, chú trọng việc trao đổi sinh viên và giảng viên với các trường đại học quốc tế.

Để thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế, Phân hiệu dự kiến vào năm 2020 chuẩn tiếng Anh của giảng viên là 6.0 IELTS và của sinh viên là 5.5 IELTS. Về nhân sự, Phân hiệu sẽ phát triển nguồn nhân lực của đơn vị tương xứng với nhu cầu phát triển bằng cách thực hiện đồng thời cả 3 phương hướng sau: Thu hút trực tiếp nhân tài về đơn vị, dựa vào sự điều phối nhân sự của Đại học Huế, tỉnh Quảng Trị và nâng cao chất lượng đội ngũ hiện tại.


Tiếp tục đầu tư thêm cơ sở vật chất để xây dựng môi trường sinh hoạt- học tập hiện đại và môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời mong muốn tỉnh Quảng Trị tiếp tục quan tâm hỗ trợ Phân hiệu trong quá trình phát triển của mình, trong đó có cơ chế ưu đãi đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về với Phân hiệu. Hỗ trợ Phân hiệu trong quá trình hợp lý hóa sử dụng cơ sở vật chất, tìm kiếm thêm nguồn đầu tư hoàn thiện cơ sở mới của Phân hiệu. Có những khoản đầu tư giúp Phân hiệu hiện đại hóa môi trường quản trị đại học. Hỗ trợ Phân hiệu các dự án trồng cây xanh để thực hiện mục tiêu tạo môi trường xanh, xạch, đẹp tại cơ sở mới.

3 nhận xét: